NGHỊ LUẬN VĂN HỌC | VẺ ĐẸP CỦA NGƯỜI LÍNH LÁI XE TRONG "BÀI THƠ VỀ TIỂU ĐỘI XE KHÔNG KÍNH"

Ngày 22/04/2021 15:14:25, lượt xem: 6805

ĐỀ BÀI:


Cảm nhận vẻ đẹp của người chiến sĩ lái xe qua hai đoạn thơ sau:
Không có kính, ừ thì ướt áo
Mưa tuôn mưa xối như ngoài trời
Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi.

Và:
Không có kính, rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim.

(Trích Bài thơ về tiểu đội xe không kính, Phạm Tiến Duật, SGK Ngữ văn 9, Tập 1)

 


BÀI LÀM


“Đoàn giải phóng quân một lần ra đi
Nào có sá chi đâu ngày trở về
Ra đi ra đi bảo tồn sông núi
Ra đi, ra đi thà chết không lui.”


Khúc hát quen thuộc ấy khiến ta như được sống lại một thời hào hùng của dân tộc theo hình ảnh trẻ trung, sôi nổi của cuộc đời người lính. Viết về những người lính trẻ tuổi mà dung cảm ấy, Phạm Tiến Duật đã có những vần thơ ca ngợi vẻ đẹp của các anh:
“Không có kính ừ thì ướt áo
Mưa tuôn mưa xối như ngoài trời
Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi.
……
Không có kính, rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim.”

Nhà thơ Phạm Tiến Duật chia sẻ: “Tôi gắn bó máu thịt với Trường Sơn và có thể nói Trường Sơn đã đẻ ra nhà thơ Phạm Tiến Duật. Trước đây, bây giờ và sau này nếu tôi viết được chút gì neo lại trong lòng bạn đọc chính là nhờ những năm tháng ở Trường Sơn.” “Thơ ông mang hơi thở của cả một thời đại nhưng bằng một khí phách ngang tàng, chất bụi bặm và kiêu bạc của người lính thời chống Mĩ. Thơ ông có sức mạnh của cả một binh đoàn trùng trùng ra trận.” (Nhà văn Nguyễn Văn Thọ). Chỉ khi đọc “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, ta mới cảm nhận được hết những lời chia sẻ của tác giả, những lời nhận xét của nhà văn Nguyễn Văn Thọ. “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của Phạm Tiến Duật, nằm trong tập “Vầng trăng quầng lửa”. Bài thơ ra đời trong những năm kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra ác liệt. Những chiếc xe không kính và tiểu đội lính lái xe chính là hình ảnh nổi bật của toàn bài. Đây là một phát hiện thú vị của nhà thơ, cho thấy sự gắn bó và am hiểu hiện thực đời sống chiến tranh trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. Tác giả không chỉ khai thác chi tiết về chiếc xe không kính, hiện thực tàn khốc của chiến tranh mà còn muốn thể hiện chất thơ của hiện thực ấy, chất thơ của tuổi trẻ hiên ngang, dũng cảm, trẻ trung, một thế hệ trẻ Việt Nam anh hùng. Qua đó, nhà thơ Phạm Tiến Duật làm nổi bật vẻ đẹp của những người lính lái xe tuyến đường Trường Sơn.


Người lính lái xe đường Trường Sơn được Phạm Tiến Duật khắc họa với tư thế hiên ngang, tinh thần lạc quan, tích cực, coi thường hiểm nguy:
“Không có kính ừ thì ướt áo
Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời
Chưa cần thay lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng gió lùa khô mau thôi.”


Để hoàn thành nhiệm vụ kháng chiến, những người lính lái xe Trường Sơn phải trải qua rất nhiều khó khăn, gian khổ với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt của gió bụi, mưa rừng. “Mưa tuôn mưa xối” dữ dội, ngồi trong xe mà cũng như ngoài trời nhưng người lính nhìn đó như một tình thế tất yếu, chấp nhận đương đầu bằng tinh thần lạc quan phơi phới: “chưa cần thay”, “mưa ngừng gió lùa khô mau thôi.” Họ tuy phải đối mặt với hiện thực khốc liệt, đối mặt với hiểm nguy nhưng với tư thế hiên ngang vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn về vật chất  được thể hiện qua sự ngang tàn, trẻ trung, lãng mạn. Họ chấp nhận hiện thực gian khổ ấy và tự tin, hiên ngang đối diện với khói lửa của chiến tranh. Nhiệt tình cách mạng của người lái xe không còn trừu tượng mà được tính bằng cung đường “lái trăm cây số nữa”, thực là một thế hệ trẻ sung sức, nhiệt thành! Và trang thơ về tiểu đội xe không kính này xứng đáng là “một góc bảo tàng tươi sống về Trường Sơn thời chống Mĩ”, “tươi sống” bởi chất hiện thực rõ rệt với những câu thơ như cũng lấm bụi, ướt mưa, nhưng “tươi sống” cũng bởi chân dung và tinh thần người lính được khắc họa thật rõ nét. Biểu hiện rõ nhất cho tinh thần ấy chính là câu nói: “Không có kính, ừ thì…”. Biện pháp điệp cấu trúc với ngôn từ đậm tính khẩu ngữ đã nhấn mạnh thái độ ngang tàng, thách thức, bất chấp mọi khó khăn của người lính lái xe, họ chấp nhận và đương đầu với khó khăn như một điều tất yếu. Đó không chỉ là tâm thế của một cá nhân hay một tiểu đội mà đã trở thành tâm thế của cả thế hệ, cả dân tộc:
“Bụi mù trời mùa hanh
Nước trắng khe mùa lũ
Đêm rộng dài là đêm không ngủ
Em vẫn đi, đường vẫn liền đường”
(Phạm Tiến Duật)
Khép lại bài thơ chỉ với bốn câu thơ nhưng đã thể hiện ý chí chiến đấu vì miền Nam, thống nhất đất nước:
“Không có kính rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim.”

Xưa nay, hình ảnh tàu xe đi vào trong thơ thường được mĩ lệ hóa, lãng mạn hóa như hình ảnh con tàu trong thi phẩm của Chế Lan Viên:
“Tàu hãy vỗ giùm ta đôi cánh vội
Mắt ta thèm mái ngói đỏ trăm ga”.

(Tiếng hát con tàu)
Hay như hình ảnh đoàn thuyền của hồn thơ Huy Cận:
“Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bang,
Ra đậu dặm xa dò bụng biển,
Dàn đan thế trận lưới vây giăng”

(Đoàn thuyền đánh cá)


Nhưng với cá tính của mình, Phạm Tiến Duật đã đưa một hình ảnh đoàn xe rất thực, thực đến mức trần trụi vào trang thơ. Đó là đoàn xe vận tải quân sự, đi giữa mưa bom bão đạn nên đã không còn lành lặn. Xe không kính, không đèn, không mui xe, có xước ấy vậy mà vẫn ngày đêm bon bon trên tuyến đường Trường Sơn vận chuyển lương thực, vũ khí chiến đấu. Khổ thơ được kết cấu bởi sự đối lập bất ngờ sâu sắc giữa phương diện vật chất và tinh thần, giữa cái không và cái có. . Điện từ “không” được nhắc lại ba lần cùng biện pháp liệt kê đã nhấn mạnh sự thiếu thốn của những chiếc xe. Mọi thứ của xe có thể không còn nguyên vẹn nhưng chỉ cần vẹn nguyên nơi ấy một “trái tim”. ”. Hình ảnh trái tim đặt để ở cuối bài thơ, sau tất cả mọi thiếu thốn, gian lao, đã như có sức mạnh thay thế và khỏa lấp cho tất cả những gì không lành lặn ấy. “Trái tim” là một hình ảnh hoán dụ cho người lính lái xe can trường, dũng cảm. Song “trái tim” ấy cũng mang ý nghĩa ẩn dụ, hội tụ vẻ đẹp tâm hồn, phẩm chất của người chiến sĩ. Trái tim người lính nồng cháy một lẽ sống cao đẹp, tình yêu nước thiết tha, trái tim chứa đựng bản lĩnh kiên cường, hiên ngang, bất khuất. Trái tim mang một tinh thần lạc quan, niềm tin mãnh liệt vào ngày mai tất thắng. Và trái tim cũng là nhãn tự của bài thơ, cô đúc ý tưởng toàn bài, hội tụ vẻ đẹp tinh thần người lính để rồi tỏa sáng đến muôn thế hệ mai sau:
“Khi lên xe ta chưa quen nhau
Lúc xuống xe ta đã thành bè bạn
Ta tựa lưng vào bốn năm tấn đạn
Chúng ta đi đường dài
Mấy trăm xe và mấy trăm người
Nhằm mặt trận tiến vào như cơn lốc
Những trái tim xếp theo hàng dọc
Suốt đường dài hồi hộp biết bao nhiêu.”

(“Chim Lạc bay”)


Có bao giờ hiện thực chiến tranh lại được khắc họa qua câu thơ mang nhịp điệu rộn ràng, tếu táo và hồn nhiên đến thế? Có bao giờ ý chí chiến đấu, xông pha ra chiến trường lại được hiện thực hóa ra cụ thể và chân thực đến thế? Phạm Tiến Duật đã tái hiện thành công tất cả những điều ấy. Bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” đã khắc họa một hình ảnh độc đáo, ngồn ngộn chất hiện thực nhưng cũng đầy chất lính, chất thơ, đó là hình ảnh những chiếc xe không kính. Qua đó, nhà thơ đã diễn tả hình ảnh những người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn với tư thế hiên ngang, tinh thần dũng cảm và ý chí chiến đấu giải phóng miền Nam mãnh liệt. Hình ảnh ấy đã giúp ta hiểu thêm, tự hào thêm về những tháng ngày kháng chiến gian khổ nhưng đầy khí phách, hào hùng, sôi nổi của tuổi trẻ Việt Nam thời chống Mĩ.


Cùng viết về đề tài người lính nhưng các anh bộ đội trong “Đồng chí” của Chính Hữu lại khác xa so với “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Người lính trong bài “Đồng chí” xuất thân là những người nông dân miền quê lam lũ nước mặn đồng chua, đất cày lên sỏi đá. Họ là những người lính không chuyên, vì yêu nước, vì thù giặc mà ra đi trực tiếp cầm súng chiến đấu. Trái lại, người lính trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” là những chàng trai trẻ. Họ là những người lính được huấn luyện, đào tạo làm công việc chính là lái xe trên tuyến đường Trường Sơn. Mặc dù không trực tiếp tham gia chiến đấu nhưng họ đã góp phần không nhỏ cho cuộc kháng chiến của dân tộc. Tuy xuất thân khác nhau nhưng họ đều có chung lí tưởng cách mạng, có tâm hồn tinh tế nhạy cảm, luôn lạc quan yêu đời, tinh thần đoàn kết, yêu thương, gắn bó nhau và tinh thần bất khuất vượt lên mọi khó khăn, thử thách. Họ đều là đại diện cho phẩm chất, khi phách của con người Việt Nam trong thời đại cách mạng.
 
Bằng những biện pháp tu từ điệp ngữ, điệp cấu trúc, liệt kê, tác giả Phạm Tiến Duật đã làm nổi bật cuộc chiến tranh ác liệt và sự hiên ngang của người lính. Những hình ảnh đậm chất hiện thực và giọng điệu thơ sôi nổi, trẻ trung, ngang tàn là những yếu tố thổi hồn cho bài thơ sống mãi.Nhà thơ Đỗ Trung Lan đã viết: “Sáng tác của Phạm Tiến Duật là “Một góc bảo tàng tươi sống về Trường Sơn thời chống Mỹ.”
Gấp lại những vần thơ, ta không thể nào quên được hình ảnh chiến sĩ lái xe đường Trường Sơn đã được khắc họa bằng tình cảm mến yêu và cảm phục chân thành của tác giả. Chính những vẻ đẹp của người lính lái xe và hình tượng những chiếc xe không kính trong bom đạn khốc liệt đó đã nói lên phẩm chất cao đẹp của thế hệ trẻ trong kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Gần ba mươi năm đã đi qua, kể từ ngày nước nhà độc lập..giờ đây không còn nữa những chiếc xe không có kính năm nào vượt dãy Trường Sơn nhưng hôm nay và mãi mãi về sau nó vẫn chạy, chạy thẳng vào lòng của dân tộc, chạy thẳng vào trong trái tim của mỗi người.

 

Để giúp ích cho các em thật nhiều trong kì thi quan trọng sắp tới thì chỉ có thể là những buổi học tại KHÓA HỌC LUYỆN VIẾT CHUYÊN SÂU NGHỊ LUẬN VĂN HỌC – một khóa học sẽ giúp các em cải thiện cũng như nâng cao kĩ năng làm bài để đạt được kết quả cao nhất.

Vậy còn chần chờ gì mà không nhanh tay đăng kí ngay khóa học thôi nào!

Nếu muốn biết thêm thông tin về hóa học hãy nhắn tin cho fanpage để được các tư vấn kĩ hơn cho các tình yêu nha!  

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS.
Youtube Học Văn Chị Hiên.

Instagram Học Văn Chị Hiên.
Tiktok Học Văn Chị Hiên.

Tin liên quan